Học lái xe số sàn là quá trình cần phải nắm rõ lý thuyết và thực hành thật tốt để bạn có thể vượt qua kỳ thi bằng lái cũng như dễ dàng điều khiển bất cứ loại xe ô tô nào khi tham gia giao thông. Vậy cụ thể những hướng dẫn cách lái xe số sàn người mới học cần quan tâm là gì? Hãy tìm hiểu ngay các kỹ thuật cơ bản trong bài viết này của chúng tôi.
Làm quen với xe – Bước đầu tiên học lái xe số sàn
Làm quen với các bộ phận của ô tô là yếu tố bất cứ ai khi muốn học xe số sàn đều cần trải qua. Chúng ta hiểu rõ về các chức năng cũng như cách hoạt động của những bộ phận này sẽ giúp cho quá trình điều khiển cũng như sửa chữa ô tô trở nên dễ dàng hơn.
Các bộ phận ngoại thất trên xe ô tô
Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu về các phần ngoại thất ở xe cụ thể như sau:
- Nắp ca-pô
Đây là phần khung thiết kế bằng kim loại ở phần đầu của xe, công dụng là bảo vệ cho phần khoang động cơ, nắp ca-pô có thể đóng mở để chúng ta bảo trì và sửa chữa những trục trặc ở các bộ phận bên trong.
- Lưới tản nhiệt
Hầu hết các ô tô đều được trang bị phần lưới tản nhiệt mặt trước để có thể bảo vệ bộ tản nhiệt cùng với động cơ, cho phép không khí luồn vào khoang bên trong. Bên cạnh đó, lưới tản nhiệt còn được đặt tại một số vị trí khác như: Phần phía trước bánh xe (nhằm làm mát hệ thống phanh), trên phía sau xe đối với những xe có phần đồng cơ đặt ở đằng sau.
- Đèn pha
Là thiết bị chiếu sáng thường sẽ đặt tại vị trí hai góc trái phải nằm nối liền giữa phần nắp ca-pô với mặt trước của chiếc xe. Đèn pha có lượng sáng mạnh và ánh sáng tập trung, chiếu ngang phần mặt đường và có thể chiếu sáng khoảng 100m. Đèn pha của xe có thể dùng cùng với đèn cốt ở trong cùng một chóa đèn hoặc có thể lắp bổ sung để làm tăng tối ưu cho độ chiếu sáng.
- Kính chắn gió
Đây là dạng cửa kính lắp ở phía trước của ô tô, vừa có tác dụng chắn mưa, gió, bụi, vừa có vai trò giúp gia tăng độ cứng vững cho kết cấu tổng thể của xe. Giúp bảo vệ sự an toàn cho người ngồi trong xe ở một số tình huống xảy ra va chạm.
- Gương chiếu hậu
Gương được gắn ở bên góc của hai bên cửa trước với mục đích hỗ trợ cho người điều khiển xe có thể nhìn được khu vực ở phía sau cũng như hai bên xe.
Các bộ phận nội thất của xe
Việc tìm hiểu các bộ phận ở bên trong xe cũng là yếu tố quan trọng để bạn có thể điều khiển xe một cách thuận lợi nhất. Những bộ phận bạn cần đặc biệt quan tâm là:
- Vô lăng
Đây là một bộ phận nằm trong hệ thống lái và sẽ được điều khiển bởi tài xế. Phần còn lại của hệ thống điều khiển sẽ phản ứng với các tác động của người lái lên trên vô lăng thông qua cơ cấu lái bánh răng – thanh răng, trục vít – bánh vít, ngoài ra có thể được hỗ trợ từ phần bơm thủy lực.
- Bảng đồng hồ
Là một hệ thống thông tin gồm có: Màn hình, đồng hồ, đèn báo để lái xe có thể nắm được các thông tin liên quan tới tình trạng hoạt động của một số hệ thống chính trên xe. Thông tin có thể hiển thị theo dạng số hoặc kim.
- Đồng hồ để đo tốc độ (Speedometer)
Được sử dụng để đo lường cũng như hiển thị phần tốc độ tức thời của xe, đây chính là trang bị tiêu chuẩn ở các phương tiện gắn động cơ từ năm 1910 tới nay. Kết hợp cùng là đồng hồ đo quãng đường (Odometer) để thông báo về quãng đường xe bạn đã chạy được so với khi bắt đầu hoạt động và đồng hồ hành trình (Tripmeter) để đo những khoảng cách di chuyển ngắn.
- Đồng hồ đo vòng tua
Được sử dụng để đo tốc độ quay của phần trục khuỷu động cơ, đồng hồ hiển thị theo số vòng/phút (RPM – Revolution per minute). Với những xe số sàn, thông số này được đánh giá rất quan trọng, chỉ số cho biết động cơ của xe có hoạt động ở trong dải mô men xoắn tối ưu cũng như tốc độ không tải có đạt tiêu chuẩn hay không. Trong khi đó, với dòng xe số tự động, đồng hồ giúp chúng ta duy trì tình trạng hoạt động của động cơ ở dải vòng tua cũng như tiết kiệm nhiên liệu.
- Bàn đạp ga
Bàn đạp ga chính là bộ phận trong ô tô khi có lực tác động sẽ làm cho chiếc xe chạy tốc độ nhanh hơn. Bàn đạp ga sẽ được điều khiển bởi chân phải và sẽ giúp chúng ta kiểm soát lượng nhiên liệu bơm vào động cơ. Khi bạn đạp chân ga càng mạnh, nhiên liệu vào bên trong động cơ sẽ càng lớn, làm cho xe chạy nhanh hơn. Nếu nhả chân ga, xe sẽ chạy chậm lại. Bàn đạp ga là bộ phận có phản ứng rất nhanh dù bạn chỉ có lực tác động nhỏ.
- Bàn đạp phanh
Đây cũng là bộ phận sẽ được điều khiển bởi chân phải và dùng trong những trường hợp bạn muốn giảm tốc độ hay muốn dừng hẳn xe. Khi tài xế tác động lực lên bàn đạp phanh, dầu phanh từ hệ thống sẽ di chuyển tới những đường ống dẫn tới các xi lanh bánh xe. Thông qua tác dụng của lực sinh ra bởi áp suất dầu phanh tác động lên phần piston, hệ thống phanh sẽ giảm tốc hoặc dừng xe. Thời gian cũng như quãng đường để xe phanh sẽ phụ thuộc vào lực bạn tác động lên bàn đạp. Tuy vậy, người lái tốt nhất vẫn nên tăng áp lực dần dần cho tới khi xe đã đạt được tới điểm dừng một cách nhẹ nhàng, hạn chế việc phanh gấp.
- Bàn đạp ly hợp/côn (Sẽ chỉ có ở xe số sàn)
Đây là bàn đạp được điều khiển bằng chân trái của tài xế và sẽ sử dụng khi bạn muốn điều khiển xe ra khỏi một vị trí cố định, chuyển số và dừng xe nhưng không làm cho động cơ bị tắt một cách đột ngột.
Để cho xe chuyển động không gặp phải tình trạng rung giật, khi bạn nhả bàn đạp ly hợp cần thực hiện theo quy trình như sau: Khoảng ⅔ hành trình đầu nhả phanh để đĩa ma sát của ly hợp sẽ tiếp giáp với bánh đà, khoảng ⅓ hành trình sau chúng ta nhả từ từ để có thể tăng dần mô men xoắn truyền từ phần động cơ tới hệ thống truyền lực. Khi đã nhả hết bàn đạp ly hợp, bạn cần đặt chân xuống sàn xe để tránh xảy ra tình huống trượt ly hợp.
- Cần số
Cần số sẽ vận hành cùng với bộ phận ly hợp. Khi chúng ta điều khiển cần số sẽ tạo ra tác động lên sự ăn khớp ở giữa các bánh răng trong hộp số và làm thay đổi sức kéo cũng như tốc độ chuyển động của xe.
- Cần điều khiển phanh tay
Giúp cho xe của bạn đứng yên ở trên đoạn đường có độ dốc nhất định và cũng hỗ trợ cho bộ phận bàn đạp chân trong các trường hợp cần thiết.
- Công tắc gạt nước
Để lái xe có thể loại bỏ những chướng ngại vật bám ở trên kính xe như: Nước, sương mờ, côn trùng giúp tránh gây ảnh hưởng tới tầm nhìn cũng.
Khi người lái xe có thể nắm vững những nguyên lý hoạt động của các bộ phận trên, bạn sẽ linh hoạt điều khiển xe tùy theo nhiều điều kiện khác nhau, tăng độ tối ưu hóa khả năng vận hành của xe.
Những lưu ý quan trọng trước khi lên xe
Đây đều là những yếu tố quan trọng bạn không thể bỏ qua khi điều khiển bất cứ chiếc xe nào. Cụ thể là:
- Kiểm tra lốp, điện, dầu và nước
Với những dòng xe gia đình, chúng ta có thời gian kiểm tra định kỳ là khoảng 1 – 2 tuần/lần hoặc trước khi bạn bắt đầu những chuyến đi xa. Tuy nhiên, nếu bạn thuê xe, hãy chú ý kiểm tra cẩn thận hơn nữa để tránh xảy ra trục trặc giữa đường đi.
- Trang phục, giày dép
Khi điều khiển xe ô tô, bạn nên ưu tiên lựa chọn những loại giày ôm sát chân, điều này giúp cho việc di chuyển giữa chân phanh và chân ga cũng như ra vào côn thuận tiện hơn. Nếu bạn đi dép, cần lựa chọn loại dép có quai hậu và cài quai chắc chắn, tránh để quai lỏng lẻo có thể bị mắc vào chân ga hay chân phanh sẽ rất nguy hiểm khi xe di chuyển.
Đối với các bộ trang phục, người lái nên lựa chọn những bộ quần áo gọn gàng, thoải mái để thực hiện các thao tác khi ngồi ở trên ghế lái. Những bộ đồ quá bó hay quá lòe xòe đều sẽ cản trở một số thao tác điều khiển trên xe.
- Mở cửa xe
Khi mở cửa xe để lên và xuống, bạn cần cẩn thận hết mức. Bởi cửa xe ô tô khá rộng, có thể đạt tới trên nửa mét. Khi chúng ta mở rộng hết cỡ có thể gây chiếm một phần đường đáng kể. Nếu bạn mở cửa xe bất ngờ và không để ý sẽ có thể gây ra tình huống người đi ngay bên cạnh bị lao vào cửa xe rất nguy hiểm.
Hãy chú ý quan sát phía trước và phía sau (thông qua gương chiếu hậu) để đảm bảo an toàn khi mở cửa. Bạn cần giữ hé cửa một lát để chắc chắn rằng người đang đi tới sẽ biết bạn chuẩn bị mở cửa, hoặc nếu ai đó bất ngờ đi nhanh qua cũng có đủ thời gian để lách khỏi cánh cửa.
Hướng dẫn tư thế ngồi, đặt chân khi lái xe số sàn
Khi lên xe, chúng ta cần chú ý về tư thế ngồi và cách đặt chân để có thể đảm bảo di chuyển xe một cách linh hoạt nhất.
Cách ngồi trên xe
Để có thể điều khiển xe một cách tốt nhất, bạn nên ngồi thẳng lưng và tựa thoải mái và ghế lái.
- Bạn kéo lùi ghế ra sau hoặc trước sao cho chân có thể đặt lên ga, phanh, côn thoải mái, đầu gối trạng thái hơi chùng.
- Chỉnh ghế ngồi lên/xuống sao cho phần đỉnh đầu cách trần xe khoảng 1 gang tay, với người thấp, chúng ta chỉnh ghế lên mức cao nhất có thể.
- Nắm tay lên vị trí cao nhất của vô lăng, cụ thể là vị trí 12h, bạn dựng/ngả tựa lưng ghế sao cho phần tay nắm vô lăng cùng khuỷu tay hơi chùng.
- Phần đầu điều chỉnh sao cho sát với tựa ghế hoặc khoảng cách từ 5 đến 7cm, điểm giữa của tựa đầu sẽ ngang với mắt.
Cách đặt chân
Người điều khiển xe luôn tỳ phần gót chân lên sàn xe, đạp phanh, côn, ga bằng bàn chân. Chúng ta không nhấc chân lên khỏi mặt sàn xe rồi đạp xuống, đây là thói quen rất dễ gây nhầm lẫn giữa phanh và chân ga. Chân trái sẽ để đạp chân côn (với xe số tự động sẽ để chân nghỉ), chân phải dùng để đạp ga và phanh.
Tài xế đồng thời chú ý không dùng 1 chân phanh, 1 chân ga với dòng xe số tự động. Nên tỳ phần gót chân phải dịch về mé chân phanh, xoay cổ chân quanh điểm tỳ gót. Xoáy trái là chân phanh và xoay phải là bàn đạp ga. Tình huống này giúp bạn dễ dàng xoay trái để phanh xe ở những trường hợp bất ngờ, thậm chí khi bạn vừa đạp nhầm chân phanh cũng có thể xử lý ngay lập tức.
Thắt dây an toàn
Bạn cần rèn cho mình thói quen này khi lên xe, bao gồm cả ghế lái hay chỉ ngồi ở ghế phụ. Để cẩn thận hơn, chúng ta yêu cầu cả người ngồi phía sau thắt dây an toàn. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp tới vấn đề an toàn khi chúng ta tham gia giao thông.
Chỉnh gương chiếu hậu
Người điều khiển xe cần phải chỉnh gương chiếu hậu ở trong buồng lái cũng như ngoài buồng lái để có thể quan sát tốt tình trạng giao thông đằng sau xe, phía bên phải và bên trái của xe. Cần chú ý thêm về việc điều chỉnh gương khi xe đang di chuyển là rất nguy hiểm.
Khởi động máy xe
Khi bắt đầu khởi động xe, bạn cần đưa về số 0 đối với xe ô tô số sàn và kèm theo phanh tay. Với dòng xe số tự động, có thể giữ ở vị trí N, nhưng vị trí tốt nhất vẫn là P. Nếu bạn khởi động xe vào buổi sáng, đặc biệt đi kèm thời tiết lạnh, hãy để cho xe nổ máy khoảng 1 phút trước khi bạn cho xe chạy.
Hướng dẫn lái xe số sàn cho người mới học
Sau đây sẽ là những thao tác điều khiển xe cụ thể, bạn cần chú ý theo dõi và thực hiện đều đặn để có thể thành thục hết những kỹ thuật này.
Thao tác sử dụng vô lăng chuẩn
Để có thể điều khiển hướng chuyển động của chiếc xe một cách dễ dàng, người lái xe cần cầm vô lăng theo đúng kỹ thuật. Nếu chúng ta coi vô lăng điều khiển là một chiếc đồng hồ, tay trái của bạn sẽ nắm vào vị trí từ 9 – 10 giờ, tay phải sẽ nắm vào vị trí từ 2 – 3 giờ. 4 ngón tay sẽ ôm vào vành vô lăng lái, còn ngón tay cái sẽ đặt dọc với vành vô lăng.
Yêu cầu: Người lái xe để vai và tay thả lỏng, đây là tư thế thuận lợi để khi lái xe lâu cũng không gây ra tình trạng mệt mỏi, các thác tác khác cũng sẽ dễ dàng thực hiện hơn.
Chú ý: Trên mỗi vô lăng của xe đều có tích hợp thêm túi khí. Nếu trong trường hợp xe xảy ra các va chạm, túi khí sẽ được kích hoạt nhanh chóng với lực lớn. Nếu như khi đó bạn đang để tay ở vị trí cao 11 – 1 giờ hoặc đặt trên vô lăng sẽ có thể làm tay đập vào mặt khiến cho thương tích xảy ra nặng hơn.
Thao tác ra vào số đúng với tốc độ
Đây là thao tác rất quan trọng, bạn cần chú ý tập trung để đảm bảo xe di chuyển một cách thuận lợi nhất.
Trong quá trình bạn điều khiển xe, khi chưa đạt đủ tốc độ mà bạn đã vào số cao sẽ khiến cho xe bị ì, dù đạp ga nhưng xe không thể tăng tốc mạnh như bạn muốn, đây là tình trạng chạy ép số. Vì vậy, khi lái xe, bạn cần nắm được cách tạo đà và khi vận hành phải lưu ý thêm về sự tương thích giữa tốc độ xe với số xe.
Cụ thể như sau:
- Số 0 hay còn được gọi là Mo thực chất là không vào bất cứ số nào, xe của bạn đang ở trạng thái tự nhiên. Khi này, phần bánh răng không ăn khớp và xe không thể chuyển động. Khi chúng ta tập lái hoặc tham gia cuộc thi sát hạch, bạn cần lưu ý phải về số 0 trước khi cho xe khởi động máy. Cho tới khi kết thúc bài thi sát hạch, người dự thi cũng cần chú ý để xe về số Mo và kéo phanh tay.
- Số 1 tương ứng với tốc độ ở mức 5 đến 10km/h.
- Số 2 tương ứng với tốc độ ở mức 10 đến 15km/h.
- Số 3 tương ứng với tốc độ ở mức 15 đến 30km/h.
- Số 4 tương ứng với tốc độ 35 đến 40km/h.
- Số 5 tương ứng với tốc độ trên 45km/h.
Hướng dẫn lái xe số sàn – Luyện tập số nguội
Luyện tập số nguội chính là bước quan trọng khi bạn tìm hiểu về những hướng dẫn lái xe số sàn. Chúng ta có thể thực hiện theo những bước như sau:
- Bạn tăng từ số 1 lần lượt lên tới số 5 cho tới khi đã thuần thục, không cần nhìn vào cần số.
- Sau đó, giảm số từ 5 lần lượt về tới số 1 mà không cần nhìn cần số.
- Bạn cũng cần luyện tập chuyển số tắt mà không cần phải theo tuần tự. Ví dụ như từ số 5 chuyển thẳng về số 1, từ số 4 về số 2 hay từ số 3 về tới số 1,…và ngược lại.
Cho tới khi đã thành thục với số nguội, bạn cần xem cách chuyển số đúng cách khi thực hành lái xe thực.
Khi bạn cho xe chuyển bánh lần đầu tiên sẽ thấy khá căng thẳng và có thể gây ra tình trạng chết máy. Chúng ta cần nhớ rằng, mỗi lần thay đổi số phải đạp hết côn. Khi xe đã bắt đầu lăn bánh (số 1), bạn cần nhả côn từ từ, nhưng khi từ số 2 trở lên, chúng ta có thể nhả côn nhanh hơn một chút. Đây là thao tác sẽ được hướng dẫn cụ thể hơn trong phần hướng dẫn sử dụng chân côn.
Thời điểm để chúng ta lên số xe là lúc xe cần tăng tốc, với vòng tua đã đủ lớn, cảm giác máy đã bị gằn. Khi vòng tua thấp, bạn sẽ thấy xe bị ì và hơi giật, đó là lúc cần phải giảm số.
Hướng dẫn lái xe B2 số sàn – Thao tác sử dụng số
Ở bài thi sát hạch lái xe đường trường, các giám thị sẽ ở trên xe để chấm điểm. Lúc này bạn lưu ý tới một số vấn đề khi vào số xe như sau:
- Cần vào số phù hợp với tốc độ xe cũng như điều kiện đường đi.
- Bạn chuyển số nhẹ nhàng và an toàn.
- Đưa tay phải trở lại cầm vô lăng lái ngay khi đã chuyển xong số.
- Chúng ta không nhìn vào cần số khi thay đổi số xe.
- Hãy đạp hết côn thật bình tĩnh và vào lại đúng số cần thiết trong trường hợp bạn lỡ vào nhầm số.
Thao tác điều khiển phần chân côn ly hợp
Sử dụng côn chính là kỹ thuật giúp cho người lái xe có thể kiểm soát được tốc độ. côn sử dụng thành thạo giúp bạn thực hiện tốt những phần trong bài thi sa hình gồm:
- Khởi hành và dừng xe.
- Tăng giảm số.
- Đề-pa trên đoạn dốc.
- Cho xe chạy với tốc độ thật chậm mà không làm xe bị chết máy.
Luyện tập kỹ thuật dùng côn xe
Để sử dụng côn xe thành thạo, bạn nên lựa chọn khu vực đường bằng phẳng và ít người đi lại. Thông thường, việc luyện tập này sẽ do thầy giáo hướng dẫn cho các nhóm học viên trên cùng xe. Bạn cũng có thể nhờ xe của bạn bè, người nhà nhưng cần có người hướng dẫn ngồi cùng để đảm bảo an toàn.
Khi bắt đầu tập phần chân côn, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng như sau: Xe bắt đầu nổ máy, bạn hạ hết phanh tay và thắt dây an toàn, ghế ngồi lúc này cũng cần được điều chỉnh xong để phù hợp với cơ thể bạn, có như vậy tới lúc đạp hết côn xe sẽ không bị với.
Người lái thực hiện theo các bước như sau:
- Bước 1: Trước tiên, bạn đạp hết côn rồi vào số 1.
- Bước 2: Nhấn nhẹ bên chân ga để động cơ khỏe hơn sao cho phần vòng tua lên đạt khoảng 1500 vòng/phút.
- Bước 3: Tiếp theo, quan sát phía trước cũng như xung quanh xe để đảm bảo an toàn.
- Bước 4: Bạn thực hiện nhả nhẹ và từ từ chân côn.
Khi côn bắt đầu bám, chúng ta sẽ thấy xe hơi bị rung nhẹ và bắt đầu chuyển động từ từ. Ở mỗi xe đều sẽ có điểm bám côn nhất định, thường sẽ là vị trí khi người lái nhả được khoảng ⅓ hành trình.
Cho tới lúc côn đã báo và xe đã chuyển động, bạn cần đè hết côn và đạp nhẹ ở phanh để dừng xe (không để chết máy). Bạn lặp lại quá trình này theo quy trình từ bước 2 tới bước 4, tăng ga một chút cho máy khỏe hơn và lại nhả côn từ từ để xe lăn bánh chậm, sau đó lại đạp hết côn và phanh để dừng xe lại.
Với việc thực hành lặp lại nhiều lần thao tác này, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn về vị trí khi côn bắt đầu bám. Khi chúng ta đã nắm tốt được bài tập dùng côn sẽ chuyển sang thao tác tiếp theo đó là điều chỉnh tốc độ bằng chân côn.
Khi xe bắt đầu lăn bánh, thay vì bạn đạp hết côn và phanh để xe dừng lại, hãy chỉ đạp nhẹ côn và cho xe chuyển động chậm dần. Nhưng ngay vào lúc xe chạy chậm lại nhưng chưa dừng hẳn, hãy nhấc nhẹ chân côn để xe chạy nhanh hơn một chút nữa và lặp lại thao tác này thêm nhiều lần.
Về bản chất, chúng ta đang duy trì cho xe chạy với tốc độ chậm nhất có thể và đây cũng là kỹ thuật chạy xe rất thông dụng ở trong thực tế khi đi qua những khu vực đông người như chợ hoặc thời điểm tắc đường. Theo đó, người ta vẫn thường gọi đây là kỹ thuật chạy xe bằng côn.
Hướng dẫn sử dụng côn trong những bài tập
Khi bạn đã quen với các thao tác điều khiển côn ở bên trên, chúng ta sẽ tiến hành kết hợp điều khiển bộ ly hợp với những thiết bị khác như: Phanh tay, số, ga để thực hành thêm những bài tập khác gồm:
- Tăng giảm số: Kết hợp cả côn ra-ga vào để có thể tăng giảm giữa các số sao cho đảm bảo sự phù hợp với tốc độ của xe cũng như tình huống cụ thể trên đường.
- Đề-pa lên dốc: Là thao tác phối hợp côn cùng với phanh chân, phanh tay và số để có thể dừng xe cũng như khởi hành lên dốc sao cho ô tô không bị chết máy hay tụt dốc.
Thao tác điều khiển ở phanh tay
Hướng dẫn lái xe số sàn tiếp theo chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn đó là thao tác điều khiển phần phanh tay. Ví dụ với xe đạp khi cần phanh, chúng ta sẽ không bóp cứng phanh làm xe đứng khựng đột ngột hoặc bị rê bánh xe trượt trên đường, hoặc nặng hơn là đổ người về ghi-đông. Thay vào đó, trong trường hợp không phải dừng gập, mọi người sẽ bắt đầu phanh nhẹ và mạnh dần lên, sau đó giảm lại sao cho xe đi chậm lại và dừng ở đúng vị trí bạn mong muốn.
Nguyên tắc này cũng sẽ áp dụng khi chúng ta phanh ô tô. Kỹ thuật phanh đó còn được gọi là phanh nhiều lần. Về cơ bản là người lái dùng phanh với lực biến đổi thay vì tác động lực cố định. Đầu tiên sẽ cần phanh nhẹ, sau đó nâng mạnh dần lên và kết thúc sẽ là phanh nhẹ trước khi xe của bạn dừng lại hoàn toàn.
Thực tế có khá nhiều người bỏ qua bước phanh nhẹ và bắt đầu bằng việc đạp hơi mạnh để xe giảm tốc nhanh chóng, sau đó sẽ đạp nhẹ dần hoặc là nhả phanh để tận dụng theo đà của xe rồi đệm phanh tiếp cho xe dừng hẳn.
Với kỹ thuật lái xe số sàn chúng tôi vừa hướng dẫn trên, chúng ta có thể đảm bảo giảm tốc độ xe cũng như cho xe dừng đúng với mong muốn và cũng kiểm soát được những yếu tố khác như:
- Cho phép các loại xe khác đang lưu thông trên đường biết được bạn đang định làm gì để có thể nhường hoặc dành đường.
- Tránh tình trạng bó phanh nếu như đạp phanh mạnh và đột ngột.
- Tránh để xe không bị trượt do đạp phanh chết.
- Tiết kiệm thêm nhiên liệu.
- Làm giảm hao mòn lốp, phanh và những bộ phận cơ khí khác.
- Đồng thời tạo ra sự thoải mái cho những người ngồi trên xe.
Khi chúng ta sử dụng kỹ thuật phanh này, bạn hoàn toàn có thể dừng xe khá nhẹ nhàng ở điểm dừng mong muốn. Suốt quá trình phanh cũng diễn ra rất nuột nà và tới khi xe dừng bánh sẽ không có cảm giác bị dúi mạnh người về phía trước.
Những lưu ý khi phối hợp các kỹ thuật lái xe số sàn
Khi thực hiện những thao tác trên, người lái xe cần chú ý thêm một số vấn đề như sau:
Sai lầm khi dẫn đến tụt dốc lúc đề-pa
Trong quá trình nhả côn, bạn có thể gặp phải một số sai làm làm xe bị tụt dốc đề-pa đó là:
- Không điều khiển được phần chân côn, làm nhả côn quá tầm và gây ra chết máy.
- Trước khi nhả côn phải ga thốc lên vòng tua khoảng 1500 – 2000 vòng/phút nhưng quá trình nhả côn lại giữ không đều chân ga khiến đầu xe không thể ngóc lên.
- Khi nhả côn, đầu xe chưa kịp ngóc đã bị cắt phanh tay nên khả năng tụt dốc lúc này tới 95%. Bạn vẫn có thể cứu trường hợp này nếu thả thêm chút côn và ga thốc lên.
- Sau khi cắt phanh tay, không giữ nguyên chân côn và chân ga lúc bắt đầu cắt phanh sẽ tụt dốc tới 98%, 2% còn lại là do bạn bình tĩnh đạp lấy chân côn và kết hợp phanh, kéo phanh tay để thực hiện lại đề-pa.
Nhìn chung, khi thực hiện cú đề-pa, tay của bạn phải luôn cầm lấy tay phanh và cần phải bình tĩnh. Với những xe máy còn ngon, chúng ta có thể đề-pa mà không cần kéo phanh tay như sau:
- Đạp côn với phanh để dừng xe ở trên dốc.
- Khi đi, bạn hãy hơi nhả côn ở tốc độ thật từ từ, khi thấy xe rung lên sẽ chuyển phanh sang chân ga và ga thốc lên, đảm bảo xe sẽ lên dốc 100%. Cách này đồng thời chỉ dùng trong thời gian đỗ xe ngắn nếu không sẽ làm bạn mỏi chân.
Không lạm dụng số N (0)
Việc chúng ta đưa cần số về số trung gian (số Mo hay 0) khi xe đang vận hành hay chuẩn bị dừng đèn đỏ sẽ không giúp tiết kiệm nhiên liệu và làm cho quán tính của xe tăng lên đột ngột. Bạn sẽ thấy khó để kiểm soát tốc độ. Đặc biệt, có một số tài xế thường có thói quen khá nguy hiểm là để xe về số 0 khi đi xuống dốc. Khi đó tốc độ của xe tăng theo gia tốc, phanh tay và cả phanh chân đều không thể phát huy hết hiệu quả và nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.
Không nên nổ máy và đi ngay vào lúc sáng
Hướng dẫn lái xe số sàn tiếp theo bạn cần lưu ý đó là thời điểm nổ máy mỗi sáng. Đây là lúc động cơ dễ bị ăn mòn và hỏng nhất. Bởi sau khoảng thời gian dài không vận hành, đa phần dầu xe đều đã lắng xuống phía dưới của phần động cơ. Hệ thống xi-lanh cùng với buồng đốt gần như chỉ có 1 lớp dầu mỏng bám ở trên mặt.
Khi bạn khởi động xe vào lúc này cần có một khoảng thời gian nhất định để dầu được bơm tới xi-lanh đầy đủ. Sau đó hãy bật khóa điện khởi động và đợi cho động cơ nổi ở chế độ chờ từ 0,5 – 1 phút trước khi vận hành xe.
Trên đây là toàn bộ các hướng dẫn lái xe số sàn chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp cho người mới bắt đầu có thêm những kiến thức hữu ích để việc học lái xe trở nên đơn giản, dễ hiểu hơn. Chúc các bạn tự tin đánh lái trên mọi nẻo đường.
ArrayArrayTham khảo thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!