Bảo Hiểm Thân Vỏ Xe Ô Tô Là Gì? Có Nên Mua?

Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô là một trong những dạng bảo hiểm vật chất xe. Lợi ích khi tham gia bảo hiểm này là được bồi thường toàn bộ hoặc một phần chi phí khắc phục thiệt hại ở thân vỏ xe như nắp capo, đèn pha, đèn hậu, màu sơn, mặt ca lăng,…

bảo hiểm thân vỏ ô tô
Bảo hiểm thân vỏ ô tô là một trong những loại bảo hiểm xe ô tô phổ biến hiện nay

Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô là gì? Có bắt buộc không?

Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô là một trong những hình thức của bảo hiểm vật chất xe ô tô. Đây là dạng bảo hiểm tự nguyện nên không bắt buộc khi mua xe hơi. Lợi ích khi tham gia bảo hiểm thân vỏ xe ô tô là được bồi thường chi phí sửa chữa hoặc thay thế các phụ kiện bên ngoài xe như nắp capo, kính, toàn bộ cửa, gương, gạt nước, ca lăng, toàn bộ phần thân vỏ,…

Hiện nay, các công ty bảo hiểm cung cấp khá nhiều gói bảo hiểm thân vỏ. Các gói bảo hiểm có mức phí, quyền lợi và hiệu lực khác nhau, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Tuy nhiên, vì là bảo hiểm không bắt buộc nên khách hàng vẫn còn khá lăn tăn về việc có nên mua bảo hiểm hay không.

Nếu đang có ý định mua xe hơi, bạn nên tìm hiểu thêm các loại bảo hiểm bên cạnh việc đánh giá kiểu dáng và động cơ xe. Nhiều người cho rằng, chỉ nên mua các bảo hiểm tự nguyện sau một thời gian sử dụng khi thân vỏ và các phụ kiện của xe đã bị xuống cấp. Tuy nhiên, nếu mua vào thời điểm này, các công ty bảo hiểm sẽ tiến hành thẩm định hiện trạng xe nên mức phí bảo hiểm sẽ khá cao.

Thông tin cần biết về bảo hiểm thân vỏ xe ô tô

Khác với bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, các bảo hiểm ô tô tự nguyện thường không quy định cụ thể về mức phí, phạm vi bảo hiểm,… Thay vào đó, các công ty bảo hiểm sẽ điều chỉnh hợp đồng sau khi thỏa thuận với khách hàng. Vì vậy, những thông tin về bảo hiểm thân vỏ xe ô tô thường không đồng nhất.

Nếu đang băn khoăn về bảo hiểm thân vỏ xe ô tô, bạn có thể tham khảo một số thông tin sau:

1. Đối tượng bảo hiểm

Chiếc xe hơi được mua bảo hiểm và đối tượng hưởng quyền lợi là chủ nhân của chiếc xe.

2. Lợi ích khi tham gia bảo hiểm thân vỏ xe ô tô

Khi tham gia bảo hiểm thân vỏ xe ô tô, khách hàng sẽ được bồi thường chi phí sửa chữa hoặc thay mới nếu thân vỏ xe có thiệt hại (vỏ xe, gương chiếu hậu, đèn pha, tấm chán bùn, mặt ca lăng, logo,…). Công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm bồi thường chi phí để khắc phục thiệt hại trong những trường hợp sau:

Kinh nghiệm mua bảo hiểm thân vỏ ô to
Khách hàng tham gia bảo hiểm thân vỏ xe ô tô sẽ được hỗ trợ toàn bộ/ một phần chi phí khắc phục thiệt hại trên thân vỏ xe
  • Xe bị va đập, móp méo,… do chủ xe điều khiển đâm vào tường hoặc các vật cản trên đường
  • Tai nạn giao thông
  • Thân vỏ xe bị hư hỏng do thiên tai, cháy nổ, mất cắp các bộ phận,…

Tuy nhiên trong từng trường hợp cụ thể, công ty bảo hiểm sẽ đánh giá mức độ hư hại và tính đúng – sai của sự việc để đưa ra phương án bồi thường. Khách hàng có thể được bồi thường toàn bộ hoặc chỉ được hỗ trợ một khoản chi phí nhỏ để khắc phục thiệt hại.

3. Các trường hợp không được bồi thường

Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô chỉ chấp nhận bồi thường trong phạm vi đã thỏa thuận. Khi tham gia loại hình bảo hiểm này, sự cố do lỗi của chủ xe vẫn được bồi thường với mức chi phí hợp lý. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường chi phí khắc phục thiệt hại trong trường hợp hư hỏng các bộ phận sau:

  • Động cơ (hệ thống nhiên liệu, khối động cơ, hệ thống điện của động cơ,…)
  • Bốn bánh xe và cơ cấu phanh
  • Tổng thành cầu trước và cầu sau
  • Hộp số, trục các đăng và toàn bộ trục
  • Hệ thống treo trước – treo sau
  • Hệ thống lái
  • Két dầu, két nước

Đối với những trường hợp có va chạm với bên thứ 3, chủ xe phải bảo lưu quyền khiếu nại và chuyển quyền yêu cầu bên thứ 3 hoàn trả chi phí để khắc phục thiệt hại cho công ty bảo hiểm. Công ty sẽ liên hệ với bên thứ 3 để nhận lại khoản tiền bồi thường, trong khi đó chủ xe sẽ được nhận trước khoản tiền từ công ty. Nếu khách hàng không thực hiện, bên bảo hiểm sẽ giảm chi phí bồi thường hoặc từ chối không bồi thường trong trường hợp này.

Ngoài ra, công ty bảo hiểm có thể từ chối đền bù trong những trường hợp sau:

  • Lái xe khi đang sử dụng chất kích thích, rượu bia, đua xe trái phép, vận chuyển chất cấm,…
  • Loại xe không phù hợp với quy định của pháp luật và các giấy tờ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật xe đều đã hết hạn sử dụng.
  • Công ty phát hiện chủ xe cố tình gây thiệt hại, tổn thất như mất logo, gương chiếu hậu,…
  • Lái xe khi không có giấy phép lái xe và các giấy tờ cần thiết khác.
  • Điều khiển xe vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, quay đầu tại khu vực cấm, không mở đèn khi di chuyển vào ban đêm, không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông,…
  • Xe chở quá số người quy định
  • Trường hợp xe bị tổn thất do chiến tranh, khủng bố, biểu tình,… cũng sẽ không được bồi thường.

5. Các gói bảo hiểm thân vỏ xe ô tô

Tương tự như các bảo hiểm xe ô tô tự nguyện khác, bảo hiểm thân vỏ xe ô tô bao gồm khá nhiều gói. Ngoài gói cơ bản, khách hàng có thể chọn một số gói mở rộng để giảm thiểu chi phí sửa chữa, thay thế phụ kiện xe trong trường hợp có sự cố.

Bảo hiểm thân vỏ ô tô
Bảo hiểm thân vỏ ô tô có khá nhiều gói, phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng

Các gói bảo hiểm thân vỏ xe ô tô phổ biến:

  • Bảo hiểm cơ bản: Bảo hiểm cơ bản là gói bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ hoặc một phần chi phí khắc phục thiệt hại của thân vỏ xe trong trường hợp bị tai nạn, hư hỏng do thiên tai, mất cắp, cháy nổ,…
  • Bảo hiểm mất cắp bộ phận: Ngoài gói bảo hiểm cơ bản, khách hàng cũng có thể chọn các gói với điều khoản mở rộng để an tâm hơn khi sử dụng xe. Với gói bảo hiểm mất cắp bộ phận, chủ xe sẽ được bên công ty bồi thường nếu bị mất trộm logo xe, gương chiếu hậu, camera lùi,… Tuy nhiên để tránh trường hợp khách hàng cố tình giấu đi các phụ kiện, công ty thường sẽ giới hạn số lần mất cắp trong 1 năm tùy theo thực trạng mất cắp ở khu vực khách hàng sinh sống.
  • Bảo hiểm cháy nổ: Bảo hiểm cháy nổ chịu trách nhiệm đền bù số tiền tương ứng để mua xe mới khi xe cháy nổ do động cơ hoặc do các tác nhân bên ngoài.
  • Bảo hiểm thủy kích: Bảo hiểm thủy kích chịu trách nhiệm bồi thường 100% chi phí sửa chữa khi động cơ xe bị ngập nước. Nếu sinh sống ở khu vực hay ngập nước, bạn nên xem xét mua bảo hiểm này vì chi phí sửa xe bị thủy kích thường rất cao.

Hiện nay, các công ty bảo hiểm xe ô tô có rất nhiều gói bảo hiểm thân vỏ xe nhằm thu hút khách hàng. Ngoài các gói có sẵn, khách hàng cũng có thể thỏa thuận với công ty để thêm vào các điều khoản mở rộng – đặc biệt là khi mua bảo hiểm cho xe hạng sang.

Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô có giá bao nhiêu? Cách tính phí

Mức phí tham gia các bảo hiểm ô tô tự nguyện thường không cố định mà phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng, loại xe, hiện trạng xe, chức năng xe (kinh doanh hay không kinh doanh), khu vực sử dụng xe,… Mức phí bảo hiểm thân vỏ xe ô tô thường được tính theo công thức sau:

Phí bảo hiểm thân vỏ xe ô tô = Giá xuất hóa đơn x Hệ số tính bảo hiểm

Theo khảo sát, các công ty bảo hiểm thường có mức phí bảo hiểm dao động từ 1.4 – 2% tùy theo điều khoản và thỏa thuận với khách hàng. Trong đó, xe mới chưa qua sử dụng sẽ có mức phí thấp hơn so với xe cũ. Do đó, những người có kinh nghiệm thường mua bảo hiểm thân vỏ xe ô tô ngay sau khi mua xe để tiết kiệm chi phí về lâu dài.

Mức phí bảo hiểm thân vỏ xe ô tô cho các dòng xe ở nhiều phân khúc khác nhau với giả sử hệ số bảo hiểm là 1.5% (tham khảo):

Có nên mua bảo hiểm thân vỏ xe ô tô
Mức phí bảo hiểm thân vỏ xe ô tô của một số dòng xe (thông tin tham khảo)

Có nên mua bảo hiểm thân vỏ xe ô tô hay không?

Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô là bảo hiểm tự nguyện. Do đó, không ít chủ xe băn khoăn có thể nên mua bảo hiểm thân vỏ xe ô tô hay không. Để đưa ra quyết định, bạn nên xem xét về nhu cầu sử dụng xe, an ninh và hệ thống cầu đường của khu vực đang sinh sống,…

Theo những người có kinh nghiệm, nên mua bảo hiểm thân vỏ xe ô tô trong những trường hợp sau:

  • Mới sử dụng xe hơi và chưa có kinh nghiệm lái xe nên mua bảo hiểm để giảm thiểu chi phí sửa chữa do va quẹt, tai nạn.
  • Khu vực sinh sống không an ninh và hay có trộm cắp.
  • Sử dụng xe mỗi ngày để di chuyển hoặc kinh doanh và đặc biệt sinh sống trong khu vực dễ bị ngập nước.
  • Xe có giá trị cao và chi phí sửa chữa đắt đỏ.

Trong trường hợp mua xe trả góp, phía ngân hàng sẽ yêu cầu chủ xe mua bảo hiểm thân vỏ xe ô tô. Bởi nếu khách hàng không có khả năng trả hết khoản nợ, chiếc xe sẽ là vật thế chấp để ngân hàng thu lại số tiền đã cho vay.

Hướng dẫn bồi thường sự cố khi tham gia bảo hiểm thân vỏ xe ô tô

Khi xảy ra sự cố, nhiều chủ xe tỏ ra hoang mang và không biết cách xử lý. Trong trường hợp xe có thiệt hại về thân vỏ xe, bạn nên xử lý theo các bước sau đây:

bảo hiểm thân vỏ xe ô tô
Khi có sự cố, chủ xe nên gọi cho công ty bảo hiểm qua đường dây nóng để được hỗ trợ
  • Thông báo cho công ty bảo hiểm: Đầu tiên, chủ xe cần gọi điện thoại cho công ty bảo hiểm thông qua hotline in trên giấy chứng nhận bảo hiểm. Sau đó, tường thuật chi tiết sự cố để nhân viên hướng dẫn các biện pháp xử lý tiếp theo.
  • Thông báo cho CSGT (nếu cần): Trong trường hợp có tai nạn giao thông nghiêm trọng, nên gọi điện thoại cho CSGT và cấp cứu để được hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu tai nạn do chủ xe bất cẩn, không nhất thiết phải gọi cho CSGT mà chỉ cần liên hệ với bên bảo hiểm là được.
  • Đưa xe vào garage: Sau khi liên hệ với công ty bảo hiểm, chủ xe nên gọi cứu hộ đưa xe vào garage để sửa chữa. Để bên công ty bồi thường chi phí di dời xe, cần đưa đến garage chủ xe đã yêu cầu trong điều kiện của hợp đồng bảo hiểm.
  • Điền thông tin theo yêu cầu của công ty bảo hiểm: Sau đó, chủ xe cần đến công ty để hoàn tất các thủ tục yêu cầu bồi thường. Để tránh sự cố phát sinh, nên đọc kỹ các nội dung trong đơn và biên bản giám định trước khi ký tên. Nếu nội dung gây ra bất lợi cho chủ xe hoặc không đúng với sự thật, nên yêu cầu nhân viên bảo hiểm kiểm tra lại.

Hiện nay, các công ty bảo hiểm xe ô tô đều đã tối giản quy trình yêu cầu bồi thường để tiết kiệm thời gian cho khách hàng. Tuy nhiên trong trường hợp xảy ra tai nạn, chủ xe cần phối hợp với công ty thu thập những bằng chứng, tài liêu để phục vụ cho công cuộc điều tra. Ngoài ra, phải chuyển quyền đòi bồi thường bên thứ 3 cho công ty trước khi nhận phí bồi thường để khắc phục thiệt hại (trong trường hợp bên thứ 3 gây tai nạn cho chủ xe).

Nên mua bảo hiểm thân vỏ xe ô tô ở đâu?

Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô ở từng công ty bảo hiểm có sự khác biệt rõ rệt về hiệu lực, phạm vi bảo hiểm, mức phí, các trường hợp không được bồi thường,… Ngoài ra, việc lựa chọn công ty bảo hiểm uy tín cũng giúp chủ xe tránh những phiền toái khi yêu cầu bồi thường.

Để dễ dàng lựa chọn được công ty phù hợp, chủ xe có thể tham khảo một số ưu điểm nổi bật của 5 công ty bảo hiểm xe ô tô uy tín hiện nay.

  • Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô của Bảo hiểm Bưu Điện (PTI): Khách hàng tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng quyền lợi nổi bật là được hỗ trợ chi phí di chuyển xe đến nơi sửa chữa với mức phí tối đa 20 triệu đồng.
  • Bảo hiểm Bảo Việt: Quyền lợi nổi bật là được bồi thường 100% chi phí sơn lại xe nếu hơn 50% diện tích màu sơn bị hư hỏng do tai nạn gây ra.
  • Bảo hiểm Pjico: Miễn phí cứu trợ trong phạm vi 70km từ vị trí xảy ra sự cố đến trung tâm cứu hộ Pjico gần nhất.
  • Bảo hiểm dầu khí PVI: Bồi thường chi phí thay mới hoặc sửa chữa các chi tiết trên thân vỏ xe trong các trường hợp va chạm (không phân biệt lỗi do chủ xe hay bên thứ 3).
  • Bảo hiểm Quân đội (MIC): Mức bồi thường tối đa bằng giá trị bảo hiểm. So với các bảo hiểm khác, bảo hiểm thân vỏ xe ô tô của MIC không có quyền lợi quá nổi bật và thủ tục khá chậm. Tuy nhiên, uy tín thương hiệu là yếu tố được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô là một trong những loại hình bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên nếu có điều kiện, bạn nên xem xét tham gia bảo hiểm để giảm chi phí khi có sự cố. Bên cạnh đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng, giá trị của xe, khu vực sinh sống,… để lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *